Review sách: Nhân gian đáng giá – Tsuneko Nakamura & Hiromi Okuda

tôi có những phiền muộn chẳng biết tỏ cùng ai… cũng chẳng biết làm thế nào…

Cuốn sách là tập hợp của những mẩu truyện ngắn về bác sĩ Tsuneko (người truyền cảm hứng để bác sĩ Hiromi viết ra tác phẩm này) và những đoạn phân tích tâm lý, để từ đó đưa ra lời khuyên cho những vấn đề “đau não” mà mỗi người chúng ta thường hay đối mặt.

Đúng với cái tên “Nhân gian đáng giá”, em sách này sẽ từng bước dẫn dắt để bạn cảm thấy  rằng: cuộc sống rất đáng giá. Dù bạn có đang làm một công việc bình bình, gia đình bạn không hạnh phúc hay bạn đang chao đảo với biết bao định kiến và kì vọng, thì bạn vẫn đang sống. Chỉ cần thay đổi suy nghĩ một chút, chọn cách thực hiện khác một chút, mọi thứ sẽ thoải mái hơn.

Một chiếc ảnh ngẫu hứng chiều nay từ cô @lai.reading

Khởi đầu của mình với em sách này khá dễ chịu, vì giọng văn nhẹ nhàng và những vấn đề được đề cập đến dường như là viết riêng cho mình ấy.  Thế rồi mình cứ lật hoài, đọc hoài. Càng đọc thì càng thấy nhẹ nhõm hơn trong lòng. À hóa ra ở đây vẫn còn những người trân trọng những điều bình thường. Các chủ đề trong sách rất rộng, từ công việc, gia đình, đến đời sống cá nhân hay tình yêu đều được đề cập đến.

Đọc xong sách thì mình nghiệm ra là, bác sĩ Tsuneko có thể thoải mái chấp nhận và tiếp tục cố gắng (dù dưới góc nhìn của mình thì cuộc đời của bác sĩ đầy rẫy khó khăn và đau khổ),  chính bởi bác sĩ hiểu bản thân mình. Điều này được đề cập rất nhiều trong sách, hiểu chính mình, biết mình ở đâu và mong muốn điều gì. Có lẽ đây là tiền đề để đo mức độ hạnh phúc và hài lòng của bạn đối với cuộc sống này. Thật ra việc thấu hiểu bản thân không phải là vấn đề 1 – 2 ngày mà là cả một câu chuyện rất dài. Nếu hiện tại bạn chưa biết mình là ai, mình mong muốn gì hay cần làm gì trong tương lai sắp tới cũng không sao cả, miễn là bạn vẫn đang cố gắng mỗi ngày ở hiện tại, để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, với những trải nghiệm cho bạn cảm giác thật vui vì mình đang sống.

Mặt khác thì cũng nên suy xét lại hoàn cảnh sống một chút. Từng trải qua thời chiến, với những ngày học tập và làm việc gian khổ nhưng vẫn không có lương, cùng quá trình trở thành bác sĩ vốn không dễ dàng, thì đối với bác sĩ Tsuneko, cuộc sống duy trì được mọi thứ ở mức “tối thiểu” đã tốt lắm rồi. Nhưng ở thời đại chúng ta, khi bạn luôn trong vòng vây của sự thôi thúc “nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa”, thì việc chấp nhận những “vừa đủ” này, cũng đồng nghĩa là một cuộc đời bình thường. Còn định nghĩa “bình thường” là như thế nào, có hài lòng hay không lại tùy thuộc vào chính bạn.

Có lẽ mỗi người sẽ lại có những ý kiến khác nhau, nhưng tựu trung lại cuối cùng vẫn chính là bản thân chúng ta. Bản thân chúng ta sống như thế nào, muốn làm điều gì. Chỉ có vậy mà thôi.

Đọc sách này làm mình nhớ lại buổi nói chuyện hôm nọ với Jun, Jun bảo cũng phải xem mình chịu đánh đổi bao nhiêu. Nếu mang theo những mong ước vĩ đại, bạn cần đánh đổi bằng rất nhiều cố gắng. Nếu chấp nhận cuộc đời bình yên mây trôi, bạn cần thật vững trước những so sánh và ánh mắt dò xét theo tiêu chuẩn của xã hội.

À lưu ý nhẹ là chủ đề trong sách rất rộng, mà em sách thì hơi mỏng nên các phần chưa đủ sâu lắm. Mình thấy em này phù hợp với những bạn mới bắt đầu đọc non fiction tâm lý học ứng dụng hơn vì em ý rất dễ đọc.

Con người vốn có tính ích kỷ nên thường muốn quyết định “nên sống thế này” hay “không nên làm thế kia”. Người kiếm được nhiều tiền mới là người tài giỏi, người thực hiện được ước mơ mới tuyệt vời đến nhường nào.

Nếu bạn cảm thấy những điều đó “có cái gì đó sai sai”, vậy bạn hãy cứ tin tưởng vào cảm giác ấy của mình.

Cảm giác mãn nguyện của bản thân vốn dĩ không phải do người khác quyết định. Càng không có gì bắt buộc bản thân phải sống cuộc đời giống như người khác.

Bạn hãy xác định cho bản thân mình rằng “đây chính là cuộc đời của mình.”

Suy cho cùng, con người cũng chỉ có thể sống cuộc đời “của chính mình”. Đến khi bạn mệt mỏi vì bắt chước cuộc đời của người khác, bạn nhất định phải nhớ điều này.”


Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.